Đầu tháng 6-2013, tôi đến xã An Ngãi Trung (Ba Tri). Đồng chí Lê Thanh Sơn - Bí thư xã điều khiển xe gắn máy chở tôi dạo một vòng để “mắt thấy” những công trình của xã đã thực hiện trong nửa nhiệm kỳ qua (từ năm 2010 đến nay).
Tuyến đường liên xóm ở ấp An Định do Xã Đoàn vận động kinh phí trải bê-tông.
Dừng lại trước chợ Cái Bông, đồng chí Sơn cho biết, vị trí làm chợ thuộc vùng đất trũng. Xã đã mạnh dạn đầu tư 28 tỷ đồng từ nguồn kinh phí bán phố chợ để xây dựng chợ Cái Bông. Khi chợ hoàn thành, tất cả các hộ kinh doanh đều phấn khởi, về nơi mua bán mới. Hàng ngày, đông đúc người dân ở xã An Ngãi Trung và các xã lân cận đến mua sắm. Điều kiện kinh doanh thuận lợi, sức mua tăng. Năm 2012, xã thu thuế môn bài được 117,15 triệu đồng, đạt 114% kế hoạch. Theo đồng chí Sơn, hiện chợ Cái Bông đang đứng trước nguy cơ quá tải nên xã có phương án xây dựng thêm một chợ nữa, trên cơ sở từ chợ tự phát để khắc phục tình trạng mua bán cản trở lưu thông và đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân nông thôn.
Đường vào ấp An Lợi, trước đây vô cùng khó khăn, mỗi khi vào đồng ruộng chăm sóc vụ lúa, người dân phải đi bằng ghe. Để giải quyết bức xúc này, xã đã đầu tư kinh phí nhựa hóa trục lộ chính của ấp, với chiều dài hơn một cây số, rộng 4m. Trục lộ chính của ấp định hình, điều kiện đi lại dễ dàng, nội bộ hộ dân đã thống nhất đầu tư trải bê-tông những nhánh rẽ, với chiều dài hơn 2km, rộng 3m.
Ở ấp An Định, có tuyến đường bê-tông do Xã Đoàn khởi xướng xây dựng. Từ đường lộ đất dẫn ra đồng ruộng chật hẹp nhưng khi trải bê-tông, thì đường khá tươm tất và rộng. Ngoài việc vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp kinh phí và ngày công lao động, tuyến đường còn nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hộ dân cặp theo tuyến đường. Ông Phan Văn Đây, ở ấp An Định, đã đóng góp đất để chiều ngang của tuyến đường được rộng hơn và góp thêm 1 triệu đồng.
Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, trong xây dựng nông thôn mới xã chỉ đạo nhất quán phải tập trung xây dựng hoàn thành các tiêu chí, trên tinh thần mau đến đích, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Để làm được điều này, xã cũng đã có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tập trung đầu tư phát triển giao thông nông thôn để phục vụ lưu thông, hàng hóa.
Kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn huy động từ nhiều nguồn (vận động trong dân và các nguồn hỗ trợ khác). Hàng năm, qua vận động, các hộ dân tùy theo điều kiện thực tế, đã tự nguyện đóng góp từ 200.000-1.000.000 đồng/hộ để hình thành quỹ chung của xã. Trước khi triển khai thực hiện tuyến đường, Mặt trận và các đoàn thể xã phối hợp với tổ nhân dân tự quản vận động tổ chức họp dân để tuyên truyền, giải thích, vận động người dân nhận thức về sự cần thiết phải làm đường mới. Bên cạnh đó, hàng năm các đoàn thể đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ít nhất 1 công trình hạ tầng nông thôn, giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Riêng Xã Đoàn, trong 6 tháng đầu năm 2013, đã triển khai thi công 2 công trình bê-tông liên xóm, ấp và 1 cây cầu bê-tông, với tổng kinh phí 180 triệu đồng.
Với cách làm này, trong nửa nhiệm kỳ qua, nhân dân xã An Ngãi Trung đã đóng góp 6 tỷ đồng để làm giao thông nông thôn.
Cũng trong nửa nhiệm kỳ qua, xã đã nhận kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện là 8,5 tỷ đồng tập trung đầu tư hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn. Xã đầu tư 35,5 tỷ đồng từ nguồn bán phố chợ và một phần khoản chi thường xuyên của xã để xây dựng chợ, đường nội thị, điện, khu hành chính. Hạ tầng đô thị của An Ngãi Trung từng bước được đầu tư; hiện đã đạt 29/49 tiêu chí đô thị loại 5; 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,96%; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 22,9 triệu đồng (tăng 7,9 triệu đồng so với năm 2010).
Toàn xã có 22,62km đường nhựa và bê-tông, trong đó có 14,92km đường liên xóm, liên ấp. Nguồn kinh phí phần lớn do nhân dân đóng góp. |
